Cánh Thiên Di: Hé Lộ Trí Tuệ Bản Năng Và Ý Nghĩa Nơi Trở Về

Khi những làn gió lạnh của mùa đông bắt đầu len lỏi khắp đất trời

Khi những làn gió lạnh của mùa đông bắt đầu len lỏi khắp đất trời, len lỏi vào từng thớ thịt, đường gân của con người cũng là lúc những đàn chim bắt đầu hành trình vạn dặm về phương Nam tránh rét. Vào khoảnh khắc ánh hoàng hôn cuối ngày dần tắt, bầu trời chuyển màu sẫm, bỗng nghe văng vẳng những tiếng kêu kíp kíp trên không trung, ngước nhìn lên cao, những đàn chim di cư đang xoải cánh bay qua, một nỗi buồn, một nỗi nhớ bâng quơ từ đâu bất chợt xâm chiếm lòng tôi.

Chim di cư mùa đông

Thuở ấu thơ, tôi dành tình yêu đặc biệt cho bầu trời và từng khao khát được hóa thân thành cánh chim tự do chao liệng trên khoảng không bao la xanh thẳm, không một biên giới nào có thể kìm hãm. Ngày ấy, khi dõi theo những đàn chim mải miết bay về phương Nam ấm áp, dù mang trong mình những giấc mơ bay bổng, tôi vẫn không dám tin rằng sau này mình sẽ lập nghiệp nơi những đàn chim kia dừng cánh. Nhớ những buổi chiều đông bàng bạc trên cánh đồng quê, tôi thường nằm trên bãi cỏ non mềm, nhấm nháp vị ngọt của đọt cỏ và dõi mắt theo những cánh thiên di, luôn tự hỏi vì sao chúng lại bay theo hình mũi tên. Thời ấy, chẳng ai có thể giải đáp cho tôi câu hỏi ngây ngô đó. Lớn lên, qua sách báo, tôi mới vỡ lẽ rằng, khi bay theo đội hình chữ V (hình mũi tên), đàn chim sẽ tiết kiệm được tối đa sức lực so với việc bay lẻ đàn. Những con chim khỏe mạnh nhất thường đảm nhiệm vị trí đầu mũi tên, ưỡn lồng ngực mạnh mẽ đón gió, sải cánh dìu đàn bay đi. Chính tiếng kêu của bầy đàn phía sau là nguồn động lực mạnh mẽ giúp con chim đầu đàn giữ vững vị trí dẫn dắt. Và khi đã mỏi cánh, nó sẽ bay chậm lại, lùi dần về phía sau để một con khác dũng mãnh hơn thay thế. Điều đáng khâm phục ở những loài chim di trú chính là khả năng định vị phi thường, nhận biết năng lượng từ trường và từ tính của trái đất bằng những giác quan tuyệt vời để tìm ra phương hướng chính xác trong suốt hành trình hàng ngàn dặm của chúng. Trong khi đó, con người phải trải qua rất nhiều thế hệ, chế tạo vô số thiết bị khoa học hiện đại mới có thể khám phá, nhận biết phương hướng, định vị trong không gian để phần nào hiểu biết thế giới xung quanh.

Những con chim khỏe mạnh nhất thường đảm nhiệm vị trí đầu mũi tên

Khi Cánh Thiên Di “Nghỉ Chân”: Một Cái Nhìn Khác Về Trí Tuệ Bản Năng

Những ngày đông rét mướt phải mặc áo tơi đi học, tôi thường vừa thập thẫng bước vừa ngắm nhìn những đàn cánh thiên di đang trên đường di trú, mỏi cánh nên đậu trên đường dây điện cao thế dọc con đường xuyên qua cánh đồng để nghỉ ngơi. Thật ngạc nhiên bởi sau khi đáp xuống các sợi dây điện, tất cả chú chim đều quay đầu về cùng một hướng. Đôi khi có một vài con quay về hướng khác, nhưng ngay tức khắc, chúng sẽ quay đầu lại để tất cả cùng hướng về một phía! Nhìn đàn chim giống như những chú chim mồi đậu vắt vẻo trên hàng dây điện, tôi lại tự hỏi vì sao chúng không bị điện giật? Hóa ra lý do thật đơn giản: khi đậu trên dây điện, chúng thường chỉ chạm vào một dây duy nhất bằng chân và không tiếp xúc với dây khác. Vì thế, chúng không cung cấp đường dẫn hoàn chỉnh cho dòng điện chạy qua. Thật kỳ lạ, một sinh vật chỉ bé bằng nửa nắm tay, nhưng lại hiểu được logic vật lý, vốn là nỗi ám ảnh một thời của tôi!

Sức Mạnh Của Tinh Thần Cộng Đồng Nơi Cánh Chim Thiên Di

Tôi say mê ngắm những cánh chim thiên di không chỉ vì chúng là hiện thân cho những giấc mơ chinh phục bầu trời của mình thuở nhỏ, mà bởi nó còn toát lên một nếp sống, một nếp sinh hoạt cộng đồng đẹp một cách lạ kỳ. Trên khoảng không mênh mông với những biến cố khôn lường, xuyên suốt hành trình vạn dặm mây trời ấy, những loài chim di trú luôn biết nương tựa, hỗ trợ và bảo hộ nhau. Dẫu không có sự hiện diện của pháp luật như đối với con người; không có khen, chê, trừng phạt, nhưng tất cả đều răm rắp bay cùng một hướng, cùng một cách theo một thỏa thuận ngầm với nhau.

Những đàn cánh thiên di luôn có sự kết hợp chặt chẽ đến tuyệt vời, cùng bền bỉ chinh phục những chuyến bay dài ngàn vạn cây số, vượt qua những vùng đất cằn khô, những vùng trời lạnh giá để cùng nhau tới những miền nắng ấm. Hơn thế nữa, khi bay lượn trên không trung, những bầy chim di trú thường gặp các loài chim mạnh và hung dữ, có thể tấn công bất cứ lúc nào. Bởi thế, chỉ có tinh thần kỷ luật, sự cố kết, bay theo đội hình ngay ngắn, chỉnh tề thì những loài chim dữ mới không ức hiếp được chúng. Và cứ thế, với đội hình mũi tên, đàn chim di cư với những đôi cánh mỏng manh đã vượt trùng dương bay về tới đích. Không gì khác, chính sức mạnh của tinh thần đoàn kết, tinh thần cộng đồng đã giúp những đàn chim tới đích an toàn. Để rồi khi mùa đông rét mướt qua đi, xuân sang ấm áp, chúng sinh sôi nảy nở và lại bay đi khắp bốn phương trời, dâng tặng loài người những tiếng hót cùng bài học quý giá về tinh thần cộng đồng bất diệt.

Hành Trình Của Con Người Và Ý Nghĩa “Nơi Trở Về”

Nhìn dòng người hối hả sắm Tết, chuẩn bị cho chuyến trở về cố hương trong những ngày cuối năm, tôi có cảm tưởng mình cũng giống những cánh thiên di. Tôi và hẳn là nhiều người nữa, vì nhiều lý do đã từ giã nơi chôn nhau cắt rốn để tìm đến và chọn được nơi “đất lành chim đậu” làm quê hương mới cho mình. Bằng sự nỗ lực của bản thân và luôn lan tỏa sự nỗ lực, chân thành, tôi đã gieo nắng ấm và cũng nhận lại bao sự ấm áp, yêu thương nơi quê hương mới. Để đến hôm nay, tôi luôn hài lòng với thành quả mà bản thân, gia đình mình đã đạt. Và rồi như một quy luật, những đứa con của tôi, của nhiều gia đình khác ở nơi quê hương mới này lại giống như những cánh thiên di. Chúng lại bay đi, chọn những vùng đất khác, phù hợp với mình làm quê hương.

Nhưng cũng như loài chim thiên di, dù có bay đi xa ngàn dặm vẫn luôn nhớ đường tìm về nơi cũ. Cho dù đi đâu, chân trời hay góc bể, mỗi người hãy học loài chim, giữ cho mình một nơi để trở về. Đó có thể là quê hương, là ngôi nhà ấm áp yêu thương, nơi những người thân luôn dang rộng vòng tay chào đón. Nơi ấy có gương mặt lam lũ của mẹ, có đôi bàn tay chai sạn và ánh nhìn xa xăm, lo lắng của cha mỗi khi tiễn những đứa con đi xa. Đó chính là nơi trở về của những cánh thiên di. Giống như khổ kết trong bài thơ “Cánh thiên di” của tác giả Nguyễn Minh Hùng đã viết:

“Chở cả mười phương chín hướng
Mang theo trăm cuộc phân ly
Chất lên ngàn cơn mộng tưởng
Hoàng hôn choàng cánh thiên di…”

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *